Nông dân Trung Quốc phất thành triệu phú nhờ Alibaba

Nhờ các sàn eCommerce như Taobao, dân nghèo nông thôn Trung Quốc thay vì phải lũ lượt kéo nhau lên thành phố kiếm sống thì nay có thể ở lại quê nhà sản xuất và kết nối trực tiếp với người dùng cuối trong chuỗi cung ứng của Alibaba mà không cần phải qua nhiều tầng thương lái nữa.

Sau bài viết " Nông dân Trung Quốc giàu lên nhanh chóng nhờ Alibaba, tại sao nông dân Việt vẫn nghèo? ", nhiều người đã thắc mắc các làng quê Trung Quốc đang thay đổi chóng vánh nhờ ông lớn TMĐT này như thế nào? Họ đã làm ra sao? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời.


Cách phố Wall hoa lệ – nơi Alibaba lên sàn với phiên IPO để đời trong lịch sử hàng ngàn dặm về phía bên kia địa cầu, rất nhiều nông dân đang lên đời với nhà lầu xe hơi nhờ những khoản lãi kếch xù thu được từ sàn thương mại điện tử số 1 Trung Quốc.

“Tất cả hoạt động kinh doanh của chúng tôi bây giờ đều ở trên mạng hết.” – đó là lời chia sẻ của Huang Jianqiao, chàng trai lớn lên từ một vùng nông thôn nghèo khó nhưng nay đã thừa tiền sắm Jaguar và đưa vợ đi nghỉ dưỡng ở Paris vào mỗi dịp nghỉ lễ nhờ cửa hàng túi online có doanh thu 4,8 triệu USD/năm của mình.

Huang chỉ là một trong số hàng ngàn nông dân Trung Quốc được lên đời nhờ sàn thương mại điện tử Alibaba. Nền tảng khổng lồ tích hợp các dịch vụ tương tự như của eBay, Amazon, PayPal cùng hàng loạt startup công nghệ nổi tiếng của phương tây nay đã giới tài chính định giá hàng trăm tỷ USD và sở hữu lượng khách hàng không thua bất cứ chuỗi bán lẻ nổi tiếng thế giới nào.

Trong những kho chứa của Alibaba, hàng núi thùng các tông đang được xếp chồng để chờ được chuyển tới tay người mua trên khắp các thành phố và làng mạc ở đại lục. Một trong những tài sản lớn nhất của Alibaba là trang mua sắm nhộn nhịp Taobao – nơi cho phép những nông dân như Huang dễ dàng bán các sản phẩm được làm ra ngay trên mảnh đất quê hương đến tay hàng triệu người dùng tiềm năng trên cả nước, thậm chí là trên thế giới.


Huang trong xưởng túi của mình

Huang trong xưởng túi của mình

Huang cho biết “Nền tảng này rất phù hợp với rất nhiều người – tôi hoàn toàn không gặp bất cứ khó khăn trở ngại nào để đăng bán được trên đây hết.”

Baigou, nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Bắc, là một trong 20 “làng Taobao” lớn trên khắp Trung Quốc – những vùng quê nơi các shop online trên Taobao thuê tới 10% dân số địa phương làm việc và mang về doanh thu cả triệu đô mỗi năm.

Những vùng quê bế tắc

Sơn Tây, một tỉnh miền bắc Trung Quốc thường nổi tiếng với ngành khai thác than cũng như tầm ảnh hưởng rộng lớn của chúng đến kinh tế khu vực. Thế nhưng các quân ở phía nam Sơn Tây lại quanh năm sống nhờ vào vụ mùa chà là đỏ.

Năm 2015, thị trường chà là đỏ biến động mạnh với nguyên một nửa số quả thu hoạch về (khoảng 10.000 tấn) không bán được phải nằm lại trong kho ngay cả suốt dịp Tết.

Sau khi biết tin xấu, Liu Dongdong, một sinh viên tốt nghiệp quê Sơn Tây đã nghĩ ngay tới Taobao. Nếu mọi người ở quê anh có thể đưa hết chỗ chà là lên bán online thì sao? Thay vì cứ ngồi chờ khách hàng đến tận nơi mua chúng hay bày bán vạ vật trên các cung đường, tại sao không mang chúng tới tận nhà khách hàng qua các sàn online? Chàng trai trẻ đã quay về nhà nung nấu giấc mơ mở doanh nghiệp online cho riêng mình.

Cùng với xu hướng thanh niên trẻ lần lượt kéo lên thành thị làm việc, các vùng quê nghèo bị bỏ lại phía sau với nền kinh tế yếu kém và thiếu thốn nhân lực trầm trọng. Chẳng ai muốn quay về quê làm nông, sản xuất nữa. Tuy nhiên, Liu cho rằng thương mại điện tử chính là một trong những chiếc chìa khóa cứu rỗi các vùng nông thôn như quê anh khỏi vũng lầy. Các sàn online có thể kênh bán hàng hiệu quả giúp giải tỏa nỗi lo phụ thuộc vào mối lái cho nhiều làng sản xuất.

Đã có một lớp người trẻ như Liu quyết định quay về quê hương gây dựng sự nghiệp online. Anh cho biết trước, chuyện được mùa nhưng không bán nổi xảy ra như cơm bữa. Tất cả nguồn thu của các hộ gia đình đều phụ thuộc vào các lái buôn. May mắn vớ được người mua thì cả mùa thu hoạch mỗi hộ sẽ kiếm được khoảng 1500 USD, còn không thì chẳng còn cách nào khác ngoài bỏ lên phố tìm việc. Thế nhưng kể từ Liu quay về, chà là của gia đình đã được rao bán và chạy quảng cáo online. Chỉ trong vòng vài tuần, các đơn hàng từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,… đã bắt đầu bay về. Kể cả những đợt không đúng mùa, anh cũng có thể thu lời 3000 USD/tháng từ chà là – cao hơn rất nhiều so với hồi đi làm thuê trước đây.


Liu Dongdong bên các thùng chà là đỏ đang chờ được ship đi

Liu Dongdong bên các thùng chà là đỏ đang chờ được ship đi

Chang Wanjun, phó chủ tịch quận Vĩnh Hòa, Tân Bắc cũng chia sẻ về những nỗ lực thúc đẩy eCommerce trong vùng. Ông cho biết những đột phá về thương mại điện tử ở nông thôn sẽ đến từ việc nâng cấp sản phẩm, thương mại hóa và làm thương hiệu. Để hỗ trợ, chính quyền quận thậm chí còn mời 5 giáo viên và 24 sinh viên ĐH Truyền thông Sơn Tây về giúp người dân quảng bá thương hiệu cho một cửa hàng online chung của quận Vĩnh Hòa. Những lớp học nhỏ miễn phí này sẽ dạy họ từ cách thiết kế bao bì, ghi nguồn sản phẩm, vận hành cửa hàng cho đến các hoạt động hậu mãi.

Những số phận đổi thay

Alibaba ra đời vào đúng thời kỳ kinh tế Trung Quốc đã mở cửa và khá dần lên. Nền tảng này đã đón đầu được làn sóng Internet và cơn khát tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đông đảo nước này.

Quay trở lại với Huang Jianqiao, anh kể lại: “Hồi xưa, kinh tế yếu kém, tôi chẳng bao giờ dám mơ tới một ngôi nhà hay chiếc xe hơi. Thế nhưng nay thì chuyện đó chẳng có gì khó nữa rồi. Đây chính là cuộc đời vật chất mà Taobao đã đem đến cho tôi.

Các làng Taobao thường sản xuất rất nhiều mặt hàng đa dạng – từ áo phông, rổ giá cho đến quần áo, túi xách,... - trong các hộ gia đình hay các công xưởng lớn. Điều này cũng có nghĩa là nhiều dân nghèo nông thôn thay vì phải lũ lượt kéo nhau lên thành phố kiếm sống thì nay có thể ở lại quê nhà sản xuất và kết nối trực tiếp với người dùng cuối trong chuỗi cung ứng của Alibaba mà không cần phải qua nhiều tầng thương lái nữa.


Bạn có thể tìm mua mọi thứ trên đời ở Taobao

Bạn có thể tìm mua mọi thứ trên đời ở Taobao

Li Dan, một công nhân dán nhãn lên thùng hàng vẫn thường đi 10 phút thẳng từ nhà đến chỗ làm thì chia sẻ về dự định mở một shop online cho riêng mình. Đây rõ ràng là tinh thần lập nghiệp mạnh mẽ từng thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ mà Alibaba chính là chất xúc tác.

Một chủ shop ở đây chia sẻ: “Sau một thời gian đi làm thuê, bạn có thể về tự mở shop của riêng mình. Một số người làm ở đây vẫn có công việc kinh doanh riêng ở nhà, chỉ đơn giản là mua một chiếc laptop rồi chăm chút cửa hàng online mỗi khi rảnh là có thêm thu nhập thôi mà.”

Xưởng túi của Huang tràn ngập mùi của những tấm da lớn treo khắp nơi, với vài nhóm công nhân rập khuy và khâu khóa, trong khi vài nhóm khác thì đang in các họa tiết thú vị lên những chiếc balo Union Jack. Huang cho biết: “Chúng tôi lấy cảm hứng từ Chanel. Dù không có nhà thiết kế xịn thì chúng tôi vẫn luôn học hỏi từ các hãng lớn khác.”

Lái xe không xa khỏi thị trấn của Huang, Guo Shaohua, một người bạn của anh, cũng đang có một cuộc sống khá giả với cửa hàng túi buôn bán phát đạt trên nền tảng của Alibaba và lan cả ra các thị trường nước ngoài như Azerbaijan và Ukraine. Chàng doanh nhân ngày ngày đi lại trên chiếc BMW sang chảnh cũng hy vọng doanh nghiệp của mình sẽ đạt mức doanh thu 14 triệu USD/năm trong vòng 3 năm tới.


Trang bán buôn quốc tế của Alibaba

Trang bán buôn quốc tế của Alibaba

Không chỉ được miễn hoàn toàn nỗi lo bị thương lái trung gian ép giá, các chủ shop online trên Taobao còn được Alibaba đảm bảo tiền đặt cọc do khách hàng chuyển tới nên cũng chẳng còn phải nghi ngại về chuyện lừa đảo nữa.

Huang kết luận: “Nay chúng tôi có thể vừa ở bên cha mẹ vừa tiếp tục sự nghiệp kinh doanh còn kiếm được nhiều hơn cả đi làm ở bất cứ thành phố nào…Tôi nghĩ đây chính là hiệu quả lớn nhất mà Alibaba mang lại. Ngoài vật chất đủ đầy, tôi còn có nhiều ý tưởng và mục tiêu hơn cho cuộc đời mình nữa.”

Kết

Dạo một vòng quanh các sàn thương mại điện tử phổ biến của Việt Nam, đập vào mắt người xem vẫn chủ yếu là các món hàng nhập từ Trung Quốc hay xách tay từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,... Những câu hỏi có thể đặt ra là tại sao giới nông dân, sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được với các sàn thương mại điện tử, vẫn đang ngày ngày bị mối lái chèn ép rồi chỉ có thể kêu trời? Tại sao thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn chưa trở thành "chợ online" cho các nông trại hay công xưởng sản xuất ở nông thôn? Lý do có thể nằm ở thói quen ít sử dụng thanh toán online, hạ tầng Internet và vận tải chưa tốt ở các vùng miền xa xôi, năng lực sản xuất còn yếu kém và chưa bắt kịp xu hướng hay cũng có thể chính ở thực tế rằng chúng ta vẫn chưa có những sàn đủ mạnh để mở rộng hoạt động ra ngoài các thành phố lớn.

Dẫu biết thương mại điện tử luôn là một cuộc chơi chông gai và tốn kém mà phần nhiều chỉ dành cho các đại gia vốn mạnh, bài học từ Alibaba và các làng quê Trung Quốc hoàn toàn có thể mở một hướng đi mới cho lĩnh vực này tại Việt Nam. Thách thức còn đó mới chính là động lực khiến chúng ta cất bước đi tìm lời giải đáp.

Tin Khác

Trang 1 / 40
TP HCM / CAO LÃNH / ĐÀ LẠT
  • Zalo Viber
    Ngọc Linh
    01644 109 769
    QQ: 2980674014
  • Zalo Viber
    Nghĩa
    0925 938 238
    QQ: 2021795817
  • Zalo Viber
    Sanh
    0909 273 332
    QQ: 1596184960
TP HCM / CẦN THƠ
  • Zalo Viber
    Mi
    0916 880 338
    QQ: 1253070254
Hà Nội - Đà Nẵng
  • Zalo Viber
    Mi
    0916 880 338
    QQ: 1253070254
Bộ Phận Hỗ Trợ - Quản Lý Khiếu Nại
  • Zalo Viber
    Mi
    0916 880 338
    QQ: 1253070254
Go Top